7 cấp độ tài chính giúp bạn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

Đăng ngày 24/11/2023 lúc: 23:49

Người ta thường nói: “ Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Điều này cũng áp dụng tương tự trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, bên cạnh việc am hiểu lĩnh vực đầu tư, bạn cần xác định được bạn là ai và bạn đang ở cấp độ nào trong 7 cấp độ tài chính.

7 cấp độ tài chính là một khái niệm được đưa ra trong cuốn sách “ Dạy con làm giàu” của Robert T. Kiyosaki. Đây là một quan điểm được phát triển từ quan điểm 6 cấp độ tài chính của John Burley – một trong những nhà đầu tư bất động sản nổi tiếng trên thế giới.

Cấp 0: Người không có gì để đầu tư

Đây là những người không có vốn để đầu tư. Họ là kiểu người làm 5 đồng là tiêu hết 5 đồng, thậm chí nhiều hơn. Điều đặc biệt là không chỉ người giàu mới có thói quen này mà kể cả những người có thu nhập trung bình cũng mắc phải điều này. Họ thường không có một kế hoạch quản lý tài chính cụ thể cho bản thân, dẫn đến việc tiêu xài không kiểm soát.

Nếu bạn thuộc cấp độ tài chính này, bạn cần phải học cách xây dựng kế hoạch tài chính và đưa ra những nguyên tắc tài chính cho riêng mình. Một khi đã lập kế hoạch,  bạn nên tuân theo kế hoạch này một cách nghiêm ngặt. Dần dần, bạn sẽ kiểm soát được thói quen chi tiêu của mình và có thể để dành đủ vốn cho việc đầu tư.

Cấp 1: Người đi vay

Đây là những người có nhiều vấn đề tài chính. Họ thường cố gắng giải quyết các nhu cầu chi tiêu của mình bằng cách vay mượn khắp nơi. Họ có thể kiếm được nhiều tiền nhưng họ không biết cách kiểm soát chi tiêu. Đến một lúc nào đó, họ sẽ không còn đủ khả năng để chi trả cho những món nợ của mình và nhanh chóng lâm vào tình cảnh khốn cùng.

Nếu bạn đang thuộc cấp độ này, lời khuyên cho bạn là dừng ngay việc đi vay mượn. Thay vào đó, bạn hãy lập ra một kế hoạch chi tiêu hợp lý và cố gắng trả dứt những món nợ còn tồn đọng trước khi tiếp tục đầu tư.

Cấp 2: Người tiết kiệm

Trái ngược với hai cấp độ trên, người thuộc cấp độ tài chính số2 thường theo chủ nghĩa an toàn. Họ thường để dành một khoản tiền nhỏ theo định kỳ. Họ cũng cực kỳ sợ việc cho vay và nợ nần.

Đối với những người thuộc cấp độ này, họ thích những hình thức đầu tư an toàn, ít rủi ro như gửi tiết kiệm hay ký quỹ.. Mặc dù họ biết việc gửi tiết kiệm không đem lại lợi nhuận nhiều nhưng họ chấp nhận điều đó vì họ không thích mạo hiểm. Họ cũng thích các hình thức bảo hiểm vì nó mang lại sự đảm bảo và tạo cảm giác an toàn.

Lời khuyên cho các nhà đầu tư thuộc cấp độ tài chính này đó là bạn có thể thử đầu tư vào những hình thức khác với một khoản vốn nhỏ. Dần dần, khi bạn đã có kinh nghiệm, bạn có thể nâng dần khoản tiền lên. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự không có ý muốn đầu tư lớn và không thể chấp nhận rủi ro, thì việc gửi tiết kiệm sẽ là giải pháp phù hợp cho bạn.

Cấp 3: Nhà đầu tư khôn ngoan

Điểm chung của các nhà đầu tư ở cấp độ này đó là họ đều là những người khôn ngoan, trí thức và thường có học vấn cao. Tuy nhiên, họ thiếu kiến thức về đầu tư tài chính và thiếu sự linh hoạt như các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ thường được chia làm 3 nhóm:

  • Nhóm không thích bị làm phiền: Nhóm này cũng là một nhóm thích sự ổn định. Họ nghĩ rằng mình không có nhiều hiểu biết về tài chính, nên họ thường tích góp tiền bạc bằng cách làm việc chăm chỉ và trông chờ vào khoản quỹ hưu trí khi về già. Họ không thích đầu tư và có xu hướng tích trữ tiền. Nếu họ có đầu tư, Họ cũng không trực tiếp quản lý mà thường dựa vào các công ty hoạch định tài chính.
  • Nhóm những người hoài nghi: Đây là những người có tính cách thận trọng. Họ thường là người theo sau đám đông chứ không phải là người đón đầu xu hướng. Cái chính là họ không có đủ hiểu biết về tài chính và không đủ quyết đoán, nên họ thường chờ đợi đến khi thị trường có biến động lớn hoặc khi nhiều người đổ xô đầu tư thì họ mới nhảy vào. Vì vậy, họ thường không thu được thành quả nào đáng kể và mãi mãi chỉ là kẻ theo sau.
  • Nhóm những người cờ bạc: Trái ngược với nhóm hoài nghi, nhóm cờ bạc xem việc đầu tư tài chính như là một ván bạc, họ thường trông chờ vào sự may mắn và không có bất cứ một nguyên tắc đầu tư nào. Họ cũng dễ nghe theo lời đồn thổi bên ngoài, dễ lung lay và không có tính kiên trì. Thay vì học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng đầu tư, họ thường quan tâm đến những đường tắt và mánh lới mà theo họ có thể mang lại thành công dễ dàng.

Đối với những nhà đầu tư thuộc cấp độ tài chính số3, điều tiên quyết mà họ cần phải làm đó là tập thói quen kiên trì và trau dồi thêm các kiến thức về tài chính. Họ cũng nên học cách kiểm soát tốt cảm xúc của mình, đảm bảo sự cân bằng giữa cảm xúc và tính logic khi đầu tư.

Cấp 4: Nhà đầu tư dài hạn

Những nhà đầu tư này biết rõ sự quan trọng của việc đầu tư có hệ thống. Họ có tầm nhìn xa và họ thường có kế hoạch đầu tư dài hạn cùng các mục tiêu tài chính rõ ràng. Họ luôn không ngừng học hỏi về các kiến thức đầu tư thông qua các phương tiện như sách, báo, các khóa học tài chính… và kinh nghiệm của những nhà đầu tư thành công.

Nếu bạn đang có mong muốn trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp, bạn nên đi theo hướng đầu tư dài hạn, học cách lập kế hoạch đầu tư, kiểm soát thói quen chi tiêu và cố gắng giảm bớt nợ nần của mình.

Cấp 5: Nhà đầu tư tài chính tinh vi

Đây là những người có khả năng đầu tư rất tốt, họ thường tìm kiếm những dự án đầu tư lớn và mạo hiểm. Họ có tầm nhìn xa và giàu kinh nghiệm, với  nền tảng kiến thức vững vàng và nguồn tài chính vững chắc.  Họ cũng đã từng đạt được những thành công nhất định và có một bề dày kinh nghiệm được rút ra từ trong quá trình đầu tư.

Những nhà đẩu tư dạng này thường chỉ mua các khoản đầu tư dưới dạng sỉ chứ không đầu tư lẻ tẻ. Họ có khả năng kết hợp các khoản đầu tư lại với nhau một cách tài tình và linh hoạt. Những nhà đầu tư dạng này cực kỳ chuyên nghiệp, họ có khả năng kiểm soát tốt tình trạng tài chính của mình và thường kiếm được nhiều hơn mức chi tiêu hàng ngày của họ. Họ cũng rất kiên trì, biết kiểm soát tốt cảm xúc và có một tầm nhìn mở mang.

Họ nhìn thấy được xu hướng thị trường, họ biết khi nào nên nhảy vào và khi nào nên rút lui. Họ cũng có những nguyên tắc đầu tư của riêng mình và một kế hoạch đầu tư cụ thể.

Cấp 6: Nhà đầu tư tài chính thực thụ

Đây là cấp độ tài chính cao nhất của một nhà đầu tư, không nhiều người đạt được cấp độ này.  Họ là những người có khả năng tạo ra cơ hội đầu tư và kinh doanh, họ không chạy theo xu hướng mà là người tạo ra xu hướng.

Những nhà đầu tư tài chính dạng này biết cách tạo ra lợi nhuận bằng cách sử dụng thời gian và tài năng của người khác. Họ không chỉ tạo ra cơ hội cho bản thân mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh cho những người khác. Họ có khả năng khuấy động và đưa nền kinh tế của một quốc gia trở nên phát triển. Họ cũng có khả năng nhận ra những cơ hội tiềm ẩn và tiếp cận chúng trước khi bất cứ người nào khác phát hiện ra. Đối với họ, đầu tư tài chính là một trò chơi và họ chính là người sẽ nắm giữ trò chơi đó. Họ có tất cả những gì mà một nhà đầu tư cấp độ 5 có, nhưng khác ở chỗ họ biết cách sử dụng nguồn lực của mình và của người khác một cách tối ưu nhất.

Trên đây là 7 cấp độ tài chính cơ bản của một nhà đầu tư. Nếu bạn muốn trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp, bạn cần phải đảm bảo đạt được cấp độ 5. Nếu bạn đang ở cấp độ 4, bạn nên tập trung trau dồi kiến thức của mình thông qua sách, các khóa học tài chính và thực hành thật nhiều.