Thất bại, thua lỗ, mất tiền là một điều tốt

Đăng ngày 24/11/2023 lúc: 23:38
[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Thất bại, thua lỗ, mất tiền là một điều tốt

Nhà đầu tư Vũ Nguyễn Đăng Khoa đã trải qua cả những lúc thăng hoa tột đỉnh khi những khoản lời chảy vào túi mình một cách dễ dàng và có những lúc căng thẳng ,chán nản, thất vọng khi những khoản thua lỗ ra đi với một tốc độ kinh hoàng. Điều cuối cùng ở lại là kinh nghiệm.

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Thất bại, thua lỗ, mất tiền là một điều tốt

Trong bộ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa nổi danh thế giới của Trung Quốc, sau thất bại cay đắng ở trận Xích Bích trước đồng minh, Tôn Lưu và suýt bị mất mạng. Tinh thần, sĩ khí của các danh tướng, binh sĩ đều suy sụp, chủ công Tào Tháo đã vực dậy hào khí của toàn quân bằng những triết lý sâu sắc về thất bại. Ông nói ” Người làm tướng nếu không trải qua vài lần thất bại làm sao biết được làm thế nào để chiến thắng. Trên thế gian, chưa bao giờ có một tướng nào trăm trận trăm thắng, chỉ có bại mà không nản, càng bại càng dũng cảm cho đến cuối cùng là người thành công. Thất bại là một chuyện tốt, thất bại dạy cho chúng ta làm sao để thành công và làm thế nào để chiến thắng”. Với tư cách là một nhân sự ở công ty chứng khoán, đồng thời là một nhà đầu tư, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc những bài học vô giá từ sự thất bại của mình.

Bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán vào năm 2017 với hành trang trong mình là tấm bằng đại học và sự tin về kiến thức bản thân sẽ giúp mình kiếm được thật nhiều tiền cũng như danh vọng trên thị trường tài chính Việt Nam. Sau gần hai năm trải nghiệm, có những lúc thăng hoa tột đỉnh khi những khoản lời chảy vào túi mình một cách dễ dàng và có những lúc căng thẳng ,chán nản, thất vọng khi những khoản thua lỗ ra đi với một tốc độ kinh hoàng. Sau tất cả, khi nhìn lại khoảng thời gian đã qua, tôi thầm cảm ơn những thất bại đã cho mình nhiều bài học vô giá không chỉ trên lĩnh vực đầu tư mà còn về chính cuộc sống của mình.

Đầu tư là một nghề, nhà đầu tư phải có kiến thức và sự trải nghiệm mới có thể tồn tại với nghề

Khi bước vào thị trường chứng khoán, tôi là một người rất tự tin về bản thân cộng thêm sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi đặt cho mình những mục tiêu và tham vọng quá cao so với chính thực lực của mình. Tuy nhiên, thời điểm đó, thị trường lại ủng hộ cho sự tự tin của tôi khi xu hướng giá lên rất rõ rệt, hầu như tôi mua cổ phiếu nào cũng có lời, kể cả khi mua theo ý kiến người khác, mua trượt giá và mua theo tin đồn. Việc những khoản lợi nhuận đến một cách liên tục và quá dễ dàng đã làm cho tâm lý trở lên hưng phấn, mức độ tự tin càng dâng cao trong người và bắt đầu mất kiểm soát. Tôi mơ mộng về một con đường màu hồng với sự chủ quan của bản thân là mình đủ giỏi để có thể kiếm thật nhiều tiền và chiến thắng được thị trường. Nhưng nào nhờ, đó mới là sự khởi đầu cho một cơn ác mộng phía sau.

Khi đang ở trên đỉnh cao của sự tự tin, sự hưng phấn, tôi bị kéo tụt từ thiên đàng xuống địa ngục khi thị trường có hai tuần giảm mạnh liên tiếp, cổ phiếu nằm sàn liên tục do tác động từ việc FED tăng lãi suất. Những khoản lợi nhuận trước đây kiếm được đã ra đi một cách nhanh chóng và thâm hụt vào cả phần vốn đầu tư của mình. Cảm giác hoang mang, lo sợ và bế tắt bao trùm suy nghĩ, đây là lần đầu tiên tôi phải đối mặt với cảm giác nặng nề như vậy mà không thể chia sẽ với ai.Trong lúc tuyệt vọng và mất phương hướng nhất, tôi may mắn được một người thầy tặng cho một câu nói ” Bình tĩnh nhận ra sự ngu dốt của bản thân là bước đi đầu tiên của kẻ thành công”. Tôi thức nhiều đêm chiêm nghiệm câu nói đó, nhìn nhận lạị sự thất bại cũng như nhìn nhận lại cả chính bản thân mình, xem thực tế mình đang ở đâu, kiến thức mình như thế nào và mình đã sai ở chỗ nào. Bài học rất lớn mà tôi phải thừa nhận đó là tôi chỉ may mắn kiếm được lợi nhuận khi đầu tư đúng vào thời điểm thị trường tăng giá nhưng khi thị trường bắt đầu khó khăn và đảo ngược xu hướng, nó đã vạch trần cho tôi thấy được sự yếu kém của mình,năng lực chuyên môn còn rất hạn chế, những cái mà tôi đang có chỉ là những kiến thức cơ bản nhất mà một nhà đầu tư cần phải có, và để có thể thành công trong lĩnh vực tài chính, học hỏi,nâng cao kiến thức và năng lực bản thân là điều bắt buộc để có thể tồn tại lâu dài

Đầu tư hay bất cứ một ngành nghề nào, kiến thức và sự trải nghiệm là điều mà bất cứ ai cũng cần để có thể tồn tại với nghề.

 

Không có một công cụ kỹ thuật nào hoàn hảo để kiếm được lợi nhuận

Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai công cụ giúp nhà đầu tư phân tích, xem xét và đưa ra quyết định đầu tư trên thị trường. Nếu như phân tích cơ bản giúp cho nhà đầu tư hiểu được bản chất hoạt động cũng như tiềm năng của một doanh nghiệp, thì phân tích kỹ thuật sẽ giúp nhà đầu tư tìm ra được điểm mua điểm bán hợp lý để tối đa hóa lợi nhuận.

Tôi tìm hiểu và áp dụng phân tích kỹ thuật vào việc đầu tư của mình với tâm thế tìm kiếm những chỉ báo hoàn hảo và luôn dự báo chính xác thị trường trong mọi thời điểm. Điều mà tôi nhận ra sau khi trải qua những thành công và sự thất bại đó là trong xu hướng thị trường giá tăng, mọi chỉ báo đều cho tín hiệu đúng, nhưng khi thị trường điều chỉnh và rơi mạnh thì các chỉ báo bắt đầu đối nghịch với nhau, có những chỉ báo cho tín hiệu mua ngược lại có những chỉ báo lại cho tín hiệu bán. Sự đánh nhau giữa các chỉ báo cùng một chức năng tao ra tâm lý phân vân trong tôi, tôi không biết nên tin những chỉ báo nào, loại bỏ những chỉ báo nào và mất hoàn toàn sự tự tin về hệ thống chỉ báo mà mình xây dựng. Khi hệ thống chỉ báo không còn đi theo mong muốn, tâm lý nghi ngờ xuất hiện, tôi bắt đầu đi tìm những chỉ báo khác để dự báo thị trường. Cứ như thế, một vòng lẩn quẩn xảy ra, cứ chỉ báo nào không hiệu quả tôi lại đi tìm kiếm những chỉ báo khác để thay thế và tiền cũng ra đi theo những lần thay đổi. Sau đó tôi may mắn đọc được một cuốn sách rất hay viết về phân tích kỹ thuật, nội dung cuốn sách cho tôi hiểu ra một điều,mỗi chỉ báo đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau , có công dụng khác nhau và mỗi chỉ báo chỉ phát huy hết điểm mạnh của nó trong những thời điểm nhất định. Cái tài tình của nhà phân tích kỹ thuật là phải biết kết hợp những chỉ báo lại với nhau, và thời điểm nào, sẽ sử dụng chỉ báo nào và hạn chế sử dụng chỉ báo nào

Từ bài học này làm tôi ngẫm nghĩ lại sai lầm của mình trong cuộc sống. Trước đây tôi luôn cố gắng tìm kiếm cho mình một người hoàn hảo, khi người đó không đáp ứng được điều tôi mong muốn thì tôi sẽ rời đi và tìm kiếm cho mình một người khác. Nhưng quả thực, trong cuộc sống không ai là người hoàn hảo cả, mỗi người đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau,hãy chấp nhận những điểm yếu của họ, phát huy tốt đa những điểm mạnh là cách tốt nhất để tìm được một người phù hợp. Đặc biệt, thay đổi và hoàn thiện chính bản thân mình mới là chìa khóa mở ra cánh cửa của sự thành công và hạnh phúc.

Biết sai, nhận sai và sửa sai là bài học cả đời

Sau khoảng thời trải nghiệm trên thị trường, tôi nhận thấy “thị trường chứng khoán, nhảy vào thì dễ, nhảy ra mới khó”. Điều mà tôi nhận ra, nó không đến từ thị trường giá lên mà lại đến từ thị trường giá xuống. Khi mới tham gia vào thị trường, tư duy của tôi luôn mặc định, thị trường sẽ đi theo suy nghĩ của mình, đi theo những phân tích và đi theo những định giá của cá nhân. Thật sự, trong thị trường giá lên, mọi chuyện đều đúng, mọi chuyện đều là màu hồng, nhưng khi tình huống ngược lại xảy ra, tất cả gần như đảo lộn. Khi thị trường không đi theo những thứ mà tôi suy nghĩ, những khoản lỗ liên tiếp xuất hiện, tôi không nhìn nhận mình sai, mà lại đi tìm đủ mọi nguyên nhân để đổ lỗi hay tìm những thông tin tích cực về cổ phiếu để bảo vệ cho quan điểm của mình, trong khi thực tế giá cổ phiếu cứ ngày một giảm, những khoản lỗ ngày một lớn hơn và đến một giới hạn nhất định, tôi ngậm ngùi cắtnhững khoản lỗ của mình. Chính tâm lý háo thắng, tự tin thái quá và không bao giờ nhận sai đã hại tôi, cho tôi một bài học quý giá “Thị trường luôn đúng”.

Thị trường chứng khoán luôn biến động không ngừng, nó luôn đi theo con đường riêng và không đi theo bất cứ suy nghĩ của một ai. Đi theo thị trường là con đường duy nhất để tồn tại lâu dài. Muốn đi trên con đường đó, nhà đầu tư khi sai, hãy biết mình sai, nhận lỗi sai và sửa sai, đó là bài học xuyên suốt không chỉ trong đầu tư mà còn là bài học sâu sắc cho cuộc sống.

Thành công thường không đến đầu tiên, nó thường đến sau thất bại, thậm chí là sau rất nhiều lần thất bại, chỉ khi tôi biết rút ra bài học, sửa chữa và tiếp tục cố gắng. Đúng như những lời nhận định của chủ công Tào Tháo ” Thất bại là một chuyện tốt, can đảm thừa nhận thất bại và kiên trì với mục tiêu của mình, thì thành công sẽ đến với mỗi người”.