Triệu phú tự thân nghỉ hưu ở tuổi 37 và bài học sâu sắc khiến bạn suy nghĩ lại về cách sống: Làm nhiều, tiêu ít, dành tiền để đầu tư – quy luật làm giàu chỉ đơn giản vậy thôi

Đăng ngày 24/11/2023 lúc: 23:47
2019 10 15 144825

Sở hữu khối tài sản người người ngưỡng mộ, nghỉ hưu sớm ở tuổi 37 nhưng bài học tuổi thiếu thời giúp triệu phú tự thân Chris Reining đi lên từ hai bàn tay trắng sẽ khiến nhiều người bất ngờ: Người hạnh phúc là kẻ nắm giữ được thời gian trong lòng bàn tay.

2019 10 15 144825

Chris Reining là một triệu phú tự thân người Mỹ. Anh đã sở hữu một khối tài sản đáng mơ ước và nghỉ hưu sớm ở tuổi 37. Những chia sẻ của Chris về phương pháp kiếm tiền, quản lý tài chính cá nhân là những bài học hữu ích cho những người đang khao khát khẳng định mình và sớm có được sự tự do tài chính.

Hơn 15 năm trước, Chris Reining có công việc đầu tiên là rửa bát thuê ở một nhà hàng với mức lương 4,25 USD mỗi giờ. Trải nghiệm đầu tiên đó đã cho anh những bài học sâu sắc về giá trị của thời gian và góp phần quan trọng vào thành công hiện tại:

Tôi kiếm những đồng bạc đầu đời bằng việc rửa bát thuê. Bạn biết đấy, khi bạn 15 tuổi và không thể vòi vĩnh mọi thứ từ bố mẹ, bạn phải tự thân kiếm tiền thôi. Sau cùng, tôi cũng được nhận vào một nhà hàng gia đình kiểu Ý, nơi đã dạy cho tôi những bài học cuộc sống đầu tiên.

Đi làm chính xác là việc đánh đổi thời gian lấy tiền bạc. Đó là một phương thức giao dịch, không hơn không kém. Bạn cống hiến thời gian, sức lực của mình để đổi lấy tiền lương. Đi làm được một thời gian, tôi nhanh chóng nhận ra, mức lương 4,25 USD/giờ đơn giản không xứng với thời gian mình bỏ ra.

Cũng trong những chuỗi ngày đó, tôi mơ mộng sở hữu một cuốn album của Blind Melon, chủ nhân bản hit “No Rain” đến chết đi được. Và vào một buổi chiều thứ Bảy, tôi tình cờ bắt gặp nó được bày bán tại khu vực đồ điện tử của Kmart. Chuyện gì đến cũng phải đến, tôi quyết định móc túi mua cuốn album đó với giá 16,98 USD.

Bằng một vài phép tính mang giá trị tinh thần, tôi chợt nhận ra cuốn album đó không trị giá 17 USD. Nó có giá trị tương đương 4 tiếng đồng hồ vùi mặt trong góc nhà bếp với một biển bát đĩa bẩn tưởng chừng như bất tận. “Liệu chiếc CD này có đáng 4 tiếng cuộc đời không?”, tôi tự hỏi.

Và đó là thời điểm tôi nhận ra xấp tiền trong ví tôi không hẳn chỉ là vài đồng bạc lẻ. Đó là thời gian dưới một dạng thể khác, mà ở đây, cụ thể là tiền tệ. Tôi nhớ Benjamin Franklin từng nói: “Thời gian là vàng bạc”. Điều này hẳn ai cũng biết nhưng hiếm khi nhớ đến trong cuộc sống mưu sinh bộn bề toan tính. Khi bạn tiêu tiền cũng đồng nghĩa với việc tiêu xài thời gian. Hoang phí tiền bạc cũng là hoang phí thời gian.

timemoney

Trong suốt thuở thiếu thời, tôi nhận vô số công việc, từ bán hàng tạp hóa đến phục vụ tại rạp chiếu phim. Và cũng trong suốt quãng thời gian ấy, phần lớn tôi dành ra để đi làm và phần còn dành ra cho việc tiết kiệm tiền. Thời gian của tôi quá quý báu để bị lãng phí. Dần dần, tôi lớn lên, đi học đại học và vô tình quên đi thói quen tốt đẹp ấy.

Bạn đã nghe câu “Thùng rỗng kêu to” bao giờ chưa? Bạn biết đấy, người nhìn sang chưa chắc đã giàu. Nghe khó tin phải không? Thế nhưng đó là sự thực. Có những người có vẻ kiếm ra rất nhiều tiền nhưng thực ra trong tay chẳng có tài sản nào cả.

Tôi từng nghe những người kế toán thuế truyền tai nhau câu chuyện về một gia đình có thu nhập 300.000 USD mỗi năm nhưng vẫn sống lay lắt ngày này qua ngày khác. Thomas Stanley cũng từng kể những câu chuyện tương tự trong tác phẩm “The Millionaire next door” (Tạm dịch: “Hàng xóm tôi là tỷ phú”): Một vị bác sĩ và một nhà luật sư có lối sống xa hoa với nhà lầu, xe hơi, những chuyến du lịch triền miên. Họ nhìn có vẻ giàu nhưng vẻ ngoài ấy, thực chất chỉ là ảo ảnh không hơn không kém.

Người giàu là người kiếm 100.000 USD, tiêu 40.000 và tiết kiệm được 1.000.000 trong ngân hàng. Nghe hơi mâu thuẫn nhưng điều này là thực tế: Cách đơn giản nhất để làm giàu và có nhiều tiền tiêu là tiêu ít tiền đi.

Hạn chế tiêu pha nghe thì đơn giản nhưng đến khi thực hiện mới biết là khó. Làm nhiều, tiêu ít, dành tiền tiết kiệm đi đầu tư. Quy luật làm giàu chỉ đơn giản vậy thôi. Thế nhưng, cái khó ở đây là bạn cần có kỷ luật trong việc tiêu tiền. Trên thực tế, hầu hết mọi người đều rơi vào tình trạng làm 10 tiêu 10, làm càng nhiều, tiêu càng lắm.

Tôi hiểu thực trạng trên bởi chính tôi năm 20 tuổi cũng có thói quen tiêu tiền như vậy. Tiêu cho đến khi thỏa mãn, cho đến khi sắp hết tiền thì mới dừng lại. Tôi từng tiêu pha hoang phí bởi tôi cho rằng vật chất, tài sản là chìa khóa khiến con người trở nên hạnh phúc. Phải mất đến vài năm sau đó, tôi mới nghiệm lại bài học “khắc cốt ghi tâm” thuở nhỏ: Thứ bạn dùng tiền để mua, đắp lên người, trưng bày xung quanh phòng không chỉ là những vật thể đơn thuần. Chúng là thời gian bạn đã mất.

Hãy nhớ rằng, người giàu chưa chắc đã hạnh phúc. Người hạnh phúc là kẻ nắm giữ được thời gian trong lòng bàn tay.

Nguồn : camnangdoanhnhan